Ngày đăng: 20/07/2023 - Lượt xem: 963
Thực hiện kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023), trong 2 ngày 15 và 16/7/2023, Đảng ủy Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức chuyến đi tham quan thực tế “về nguồn” tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham gia chuyến đi thực tế có các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Trường, đại diện cấp ủy trực thuộc Đảng bộ Trường.
Điểm đến đầu tiên của Đoàn tại Côn Đảo đó là Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) và Miếu bà Phi Yến (An Sơn Miếu), đây là hai công trình văn hóa tâm linh nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của huyện Côn Đảo, đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh. Miếu bà Phi Yến là nơi thờ bà Phi Yến - thứ phi của vua Nguyễn Ánh, bà được dân chúng tôn sùng, khâm phục và yêu mến vì sự đức hạnh, một lòng tiết hạnh với chồng và cũng là tấm gương tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam nên được nhân dân kính trọng và lập miếu thờ.
Đoàn dâng hương tại Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) và Miếu bà Phi Yến (An Sơn Miếu)
Chiều cùng ngày, Đoàn di chuyển đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Hơn 113 năm dưới ách cai trị của bọn thực dân, đế quốc, hàng chục ngàn lượt tù nhân đã bị đày ải giam cầm và tra tấn bằng những cực hình vô cùng tàn bạo, trong số đó, có khoảng 20.000 tù nhân đã mãi mãi nằm lại tại Hàng Dương - Côn Đảo. Đoàn đã xúc động dâng hương tưởng nhớ hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, những người tù yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mỗi nấm mộ là một chứng tích về thời kỳ hào hùng và bất khuất trước những đòn tra tấn nhục hình, đói khát và bệnh tật hành hạ. Mặc dù vậy, các chiến sĩ cách mạng vẫn nuôi dưỡng ý chí, niềm tin và biến nơi đây thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện ý chí đương đầu với kẻ thù.
Đoàn đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương
Ngày thứ hai tại Côn Đảo, Đoàn đã đến thăm quan bảo tàng Côn Đảo và nhà tù Côn Đảo, nơi ghi dấu sự đấu tranh, ý chí kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cộng sản. Được các thuyết minh viên của Bảo tàng Côn Đảo hướng dẫn đi các địa chỉ đỏ và trình bày lịch sử đấu tranh hào hùng của những tù nhân nơi đây, dù tất cả thành viên đoàn đều từng học lịch sử, từng nghe nói về sự tra tấn dã man này nhưng khi tận mắt chứng kiến nơi lịch sử nơi đây, mọi người càng khâm phục, nghẹn ngào, xúc động trước sự chịu đựng, hy sinh của cha ông. Những chứng tích tra tấn tù nhân chính trị rất dã man, tàn độc của bọn thực dân, đế quốc; những di vật còn ghi dấu ấn một thời đấu tranh gian khổ, ác liệt của những người chiến sĩ cách mạng. Tất cả như nối kết, tái hiện lại một thời đau thương nhưng rất đỗi kiên cường, bất khuất của những người cộng sản nơi “Địa ngục trần gian” này. Các thế hệ chiến sĩ yêu nước tiêu biểu như: Phan Châu Trinh, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu… và trên 20.000 liệt sĩ đã ngã xuống, nằm lại vùng đất thiêng Côn Đảo nhằm bảo vệ lý tưởng cách mạng. Những địa danh, tên người ghi dấu sự oanh liệt, hào hùng của đất nước đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước không chỉ thế hệ trẻ mà tất cả người dân Việt Nam.
Đoàn tham quan bảo tàng Côn Đảo và nhà tù Côn Đảo
Tạm biệt Côn Đảo, tạm biệt một phần máu thịt của non sông, tạm biệt những người con ưu tú của Tổ quốc, Đoàn trở về với Thủ đô Hà Nội. Hành trình “về nguồn” Côn Đảo đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên Nhà trường thấu hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và tự nhủ lòng sẽ cố gắng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến hết sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với bao xương máu cha anh đã đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng quê hương.
Một số hình ảnh trong chuyến đi tại Côn Đảo: